Thay đổi quy hoạch TP. Dĩ An, nhiều nhà máy sẽ đi về đâu?

Theo nghị quyết Đại hội TP.Dĩ An nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố sẽ thay đổi định hướng phát triển, chuyển trọng tâm từ đô thị công nghiệp sang đô thị thương mại - dịch vụ.

Thay đổi quy hoạch TP. Dĩ An, nhiều nhà máy sẽ đi về đâu? - 1

Ngày 1/2/2020, thị xã Dĩ An chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương. Dĩ An với diện tích 60,1 km2 là thành phố “vàng” của Bình Dương khi tiếp giáp TP.HCM và Đồng Nai, có nhiều công trình kết nối vùng đi qua như xa lộ Hà Nội, cầu Đồng Nai, bến xe Miền Đông mới, khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM… Đây cũng là nơi tập trung của hai khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 1, Sóng Thần 2.

Quy họach tổng thể TP.Dĩ An thay đổi theo cơ cấu kinh tế

Trong giai đoạn 5 năm từ 2015 - 2020, TP.Dĩ An có cơ cấu kinh tế là công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp. Dĩ An có 7 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, nổi bật trong số đó là KCN Sóng Thần 1, 2. KCN Sóng Thần 1 do Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ  - làm chủ đầu tư, có tỉ lệ lấp đầy 100%, lĩnh vực thu hút đầu tư là công nghiệp chế tạo máy và công nghiệp chế biến nông lâm sản. KCN Sóng Thần 2 do Tập đoàn Đại Nam làm chủ đầu tư, có tỉ lệ lấp đầy khoảng 96%, lĩnh vực thu hút đầu tư là điện tử, dệt, may mặc, thủ công mỹ nghệ…2 doanh nghiệp này đều thuộc sở hữu của Ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng Lò Vôi).

Thay đổi quy hoạch TP. Dĩ An, nhiều nhà máy sẽ đi về đâu? - 2

Khu công nghiệp sóng thần của đại gia Huỳnh Uy Dũng – Dũng Lò Vôi

Cơ cấu kinh tế đã có sự thay đổi lớn khi Dĩ An chính thức trở thành thành phố. Trong giai đoạn 2020 - 2025, Dĩ An định hướng phát triển theo hướng trở thành đô thị thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Từ nay đến năm 2030, thành phố phấn đấu phát triển thành đô thị loại 1. Chính quyền định hướng đến năm 2040, Dĩ An trở thành đô thị dịch vụ - giáo dục - công nghiệp.

Sự thay đổi về kinh tế kéo theo những điều chỉnh về quy hoạch tổng thể thành phố. Dĩ An được chia thành 5 khu đô thị. Trong đó: Số 1 là KĐT trung tâm Hành chính; Số 2 là KĐT Công nghiệp công nghệ cao, bao gồm KCN Sóng Thần 1 và 2; Số 3 là KĐT dịch vụ kết hợp ở; Số 4 là KĐT dịch vụ logistics; Số 5 là KĐT giáo dục.

Thành phố đầu tư phát triển khu dịch vụ thương mại gắn với ga Sóng Thần; Khu vực thương mại dịch vụ cao tầng kết hợp ở gắn với bến xe Miền Đông… Các cơ sở sản xuất trong khu dân cư và một số khu, cụm công nghiệp từng bước được chuyển đổi sang mô hình dịch vụ - thương mại kết hợp nhà ở. Như vậy trong thời gian tới nhiều nhà máy sẽ được di dời đi nơi khác nhường đất cho phát triển đô thị.

“Làn sóng” phát triển KCN chuyển dịch sang Bình Phước

Bình Phước - tỉnh “anh em” với Bình Dương định hướng trở thành điểm sáng thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao… tại khu vực phía Nam. Chính quyền địa phương tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thay đổi mạnh mẽ trong thủ tục hành chính, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng công tác đào tạo nguồn lực lao động chất lượng… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 khu công nghiệp với diện tích hơn 4.680 ha; trong đó, có 5 khu đã lấp đầy. Bên cạnh đó Tỉnh cũng đã phê duyệt bổ sung gần 10.000 ha đất quy hoạch KCN trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025, nổi bật là Huyện Đồng Phú triển khai Khu liên hợp Đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú lên tới 6300 ha tổng quỹ đất, mở rộng 2 KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú thêm gần 800 ha.

Thay đổi quy hoạch TP. Dĩ An, nhiều nhà máy sẽ đi về đâu? - 3

Các Khu công nghiệp tại Bình Phước sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển

Những năm qua, 2 “đại gia” trong lĩnh vực BĐS KCN của Bình Dương - Tập đoàn Becamex IDC và Tập đoàn Đại Nam đã rót hàng ngàn tỉ đồng gom quỹ đất và phát triển các khu đô thị - khu công nghiệp hiện đại, quy mô lớn tại Bình Phước gồm huyện Chơn Thành và Đồng Phú. Tập đoàn Becamex IDC cùng với địa phương đã cùng nhau bắt tay thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với hai KCN tại Chơn Thành và Đồng Phú. Dòng vốn FDI của các nhà đầu tư ngoại liên tục đổ về hai KCN góp phần giúp Bình Phước đạt mức tăng trưởng vốn FDI đăng ký trong quý I/2021 cao hơn 678,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Các chuyên gia đánh giá, Bình Phước có đầy đủ các điều kiện về vị trí, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, nguồn lực con người để cùng doanh nghiệp “cất cánh” mạnh mẽ. Hiện nay, tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang xảy ra tình trạng quá tải về hạ tầng công nghiệp, hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông. Bình Phước sẽ nơi lý tưởng để các doanh nghiệp chọn làm nơi xây dựng nhà máy, phát triển kinh tế trong thời gian tới. 

Như vậy sẽ có một “làn sóng” dịch chuyển cơ sở sản xuất từ KCN Sóng Thần 1, 2 nói riêng và một số số khu vực trọng điểm phía Nam nói chung về Chơn Thành, Đồng Phú của Bình Phước. Giá trị bất động sản tại các khu vực này được dự báo sẽ tăng sức nóng trong thời gian tới. Đặc biệt, những KCN được xây dựng theo mô hình đô thị - dịch vụ - công nghiệp kiểu mới như tại Đồng Phú sẽ là điểm thu hút người lao động tới sinh sống lâu dài. “Làn sóng” phát triển công nghiệp lan từ Bình Dương sang Bình Phước làm khơi lên một “làn sóng” khác trong thị trường bất động sản tại Bình Phước. Giá đất tại Đồng Phú trong tương lai rất có thể sẽ tăng gấp nhiều lần so với hiện nay.

Nguổn: 24h.com.vn

Bài viết cùng chuyên mục