Nói về quy luật ‘lãi suất tăng, chứng giảm, BĐS đi ngang’, chuyên gia BĐS 18 năm khẳng định “chưa thấy đất ở đâu giảm”

Khách mua hờ hững với đất nền nhưng giá rao bán không giảm

“Từ tháng 4 đến bây giờ chưa thấy giá đất ở đâu giảm, chỉ đi ngang hoặc tỷ lệ giao dịch ít đi”, ông Ngô Văn Dũng - Giám đốc Điều hành CTCP Kim Long Land – nhận xét tình hình trên thị trường bất động sản, trong bối cảnh lãi suất điều hành vừa được điều chỉnh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tăng một số mức lãi suất điều hành thêm 1%, bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm, có hiệu lực từ ngày 23/9.

Về mặt lý thuyết, việc tăng lãi suất huy động sẽ thu hút dòng tiền trên thị trường chảy vào tiền gửi tiết kiệm. Đây là yếu tố cạnh tranh rất lớn đến nguồn tài chính cho thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động tăng tức là lãi suất cho vay cũng tăng theo, có thể gây khó cho cả chủ đầu tư và người cần vay tiền mua nhà để ở hoặc đầu tư, đồng thời có khả năng gây ra những tác động sâu hơn nữa.

Mặc dù vậy, trong LandShow số 22 của VTV Money với chủ đề “Lãi suất tăng, bất động sản sẽ ra sao?”, các khách mời vẫn tỏ ra khá lạc quan về thị trường bất động sản trong thời gian tới. Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Điều hành CTCP Kim Long Land với 18 năm kinh nghiệm trên thị trường bất động sản, đánh giá quy luật “lãi suất cao, chứng khoán giảm, bất động sản đi ngang và giảm giá” hiện nay không còn đúng.

“Thời điểm này vẫn chưa thấy đất ở đâu giảm. Giờ có rất nhiều tham số tác động. Ngoài cung cầu, yếu tố pháp lý, yếu tố thị trường và tài chính thì còn chiến tranh, dịch bệnh. Kinh tế Việt Nam còn đang được thế giới đánh giá rất tốt, nên trong trung và dài hạn thì bất động sản còn dư địa lớn, vẫn là một kênh đầu tư tốt”, ông đánh giá.

Bà Hồ Thị Thu Mai, Giám đốc Thương Mại Điện Tử Nhà Ở Ngay Việt Nam với 13 năm kinh nghiệm đầu tư bất động sản, cũng cho rằng chưa chắc việc tăng lãi suất sẽ khiến bất động sản tụt dốc. “Nếu là thời điểm năm 2010 thì giảm, nhưng bây giờ chính sách lãi suất rất linh hoạt. Tôi đã biết sẽ có sự điều chỉnh lãi suất, dựa vào mức lãi suất rất tốt vào năm ngoái, nên chủ động đón nhận chuyện này”, bà nêu ý kiến.

Trước câu hỏi có nên bán đất ra trong thời điểm hiện nay hay không, ông Dũng cho rằng không nên bán tháo và có tâm lý hoang mang. “Thời gian tới, theo tinh thần nghị quyết 18 vừa rồi của chính phủ, tiền sử dụng đất sẽ tăng cao vì định giá đất theo giá thị trường. Do vậy, lãi áp dụng với các chủ đầu tư sẽ được tiết giảm bởi tiền vốn cao. Vì thế, giá đất trong ngắn hạn, giai đoạn 2023 - 2024, sẽ tăng”, ông Dũng nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia với 42 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Mỹ và Việt Nam, lại đưa ra góc nhìn khác. Ông đánh giá lãi suất tăng sẽ làm giảm khả năng mua nhà của người dân, từ đó tác động mạnh đến tình hình cung cầu trên thị trường bất động sản.

“Trong ngành ngân hàng, chúng tôi tính tỷ lệ trả gốc và lãi cho ngân hàng khi vay mua nhà chia cho thu nhập bình quân người mua nhà ở khoảng 60% là hợp lý. Nhưng với lãi suất tăng như hiện nay, tôi nghĩ tỷ lệ này đã vượt ngưỡng an toàn, có thể làm nhiều người không đủ điều kiện vay ngân hàng để mua nhà”, ông nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông Hiếu đánh giá động thái tăng lãi suất của NHNN là hợp lý để chống lạm phát và ổn định giá trị của tiền đồng. Sự điều chỉnh cũng phù hợp với những đợt tăng lãi suất liên tiếp của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Chuyên gia này còn nêu một số giải pháp cho thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay.

“Các hoạt động đầu cơ, găm hàng, thổi giá rất phổ biến ở Việt Nam. Thị trường bất động sản cần có điều chỉnh và cải tổ mạnh mẽ như xây dựng hệ thống thông tin minh bạch về phân khúc thị trường, giá cả sản phẩm để mọi người có thể tham khảo và ra quyết định phù hợp với nhu cầu của mình. Cuối cùng thì thị trường phải hướng đến mục đích phục vụ cho đại bộ phận dân chúng”, ông nói.

 

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chuyên mục