Hầu hết các đề xuất liên quan đến phương án, phương thức thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành của UBND tỉnh Bình Dương đều nhận được sự đồng thuận của Bộ Giao thông - Vận tải.
Đầu tư ngay quy mô 4 làn xe
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 5391/BGTVT-KHĐT gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về phương án, phương thức thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành (Dự án cao tốc TP.HCM - Chơn Thành) theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Dương.
Trước đó, vào tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai Dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với yêu cầu nhanh chóng hình thành tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch, góp phần kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương với Bình Phước và vùng Tây Nguyên.
Phối cảnh tuyến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành (CT.30) có điểm đầu tại đường Vành đai 3 TP.HCM, điểm cuối tại Chơn Thành (Bình Phước), chiều dài khoảng 60 km, quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Hiện nay, đoạn tuyến qua tỉnh Bình Dương dài 53,3 km bao gồm: đoạn từ Vành đai 3 TP.HCM - cầu Khánh Vân dài khoảng 7,7 km đi trùng đường tỉnh 743 và đường tỉnh 747B đã được đầu tư với bề rộng nền đường 36 - 38 m và đoạn từ cầu Khánh Vân đến giáp ranh tỉnh Bình Phước dự kiến đầu tư mới với chiều dài khoảng 45,6 km. Đối với đoạn qua Bình Phước có chiều dài 7,1 km, các địa phương đã thống nhất triển khai theo hướng tuyến mới.
Liên quan phương án đầu tư Dự án giai đoạn I, tại Công văn số 5391, Bộ GTVT ủng hộ phương án đầu tư phân kỳ theo quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh; việc đầu tư đầy đủ làn dừng đỗ khẩn cấp bảo đảm an toàn, thuận lợi trong quá trình khai thác, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT cũng cơ bản nhất trí với đề xuất của UBND tỉnh Bình Dương về phương thức đầu tư Dự án cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.
Cụ thể, Bộ GTVT đồng ý với đề nghị tách đoạn cao tốc qua tỉnh Bình Phước thành dự án độc lập do UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản. Dự án thành phần này sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư 1.785 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, UBND tỉnh Bình Dương cần làm rõ cơ sở, sự cần thiết và đánh giá khả năng vận hành khai thác độc lập của từng dự án theo khoản 9, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng khi đề xuất tách đoạn qua địa phận tỉnh Bình Phước thành dự án độc lập.
“UBND tỉnh Bình Dương cần phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá khả năng cân đối vốn ngân sách của các địa phương và hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện theo phương án đề xuất nêu trên”, Công văn của Bộ GTVT, do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký, nêu rõ.
Tính toán kỹ suất đầu tư
Đối với đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Bình Dương, tại Văn bản số 2138/UBND-KT gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị phương án, phương thức thực hiện Dự án cao tốc TP.HCM - Chơn Thành vào đầu tháng 5/2023, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Theo đó, phần công tác giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 7.388 tỷ đồng thực hiện theo phương thức đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Bình Dương theo quy định tại khoản 1, Điều 5, Luật Đầu tư công; phần xây dựng công trình có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 8.808 tỷ đồng sẽ thực hiện theo phương thức PPP.
Theo quan điểm của Bộ GTVT, hiện nay, pháp luật về đầu tư công cho phép xem xét tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của dự án đường cao tốc (dự án dạng tuyến rất dài), nên công tác giải phóng mặt bằng được triển khai theo thiết kế cơ sở được phê duyệt.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Bình Dương cân nhắc kỹ lưỡng khi kiến nghị tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, vì có thể làm tăng thủ tục triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của Dự án. Bên cạnh đó, trường hợp công tác giải phóng mặt bằng thực hiện bằng vốn nhà nước, theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, thì vẫn phải tính toán vào tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án và bảo đảm không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.
Điểm cấn cá duy nhất liên quan đến phương án triển khai Dự án cao tốc TP.HCM - Chơn Thành là suất đầu tư tại công trình này do 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương xây dựng.
Cụ thể, sau khi so sánh với suất đầu tư của dự án có quy mô, tính chất tương tự trong khu vực, Bộ GTVT cho rằng, suất đầu tư (chưa bao gồm giải phóng mặt bằng) của Dự án khoảng 193 - 195 tỷ đồng/km là khá cao.
“UBND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Bình Phước cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tư vấn rà soát kỹ, tính toán, xác định chi phí đầu tư xây dựng phù hợp, bảo đảm tính đúng, tính đủ, phù hợp với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật dự án và giải pháp thiết kế, xây dựng công trình dự án”, Bộ GTVT khuyến nghị.
Suất đầu tư dự kiến tại Dự án cao tốc TP.HCM - Chơn Thành
Đoạn qua tỉnh Bình Dương (từ cầu Khánh Vân đến ranh giới tỉnh Bình Dương - Bình Phước dài 45,6 km): sơ bộ chi phí giải phóng mặt bằng 7.388 tỷ đồng; sơ bộ mức đầu tư xây dựng công trình 8.808 tỷ đồng. Theo đó, suất đầu tư (bao gồm giải phóng mặt bằng) khoảng 355 tỷ đồng/km, suất đầu tư (chưa bao gồm giải phóng mặt bằng) khoảng 193 tỷ đồng/km.
Đoạn qua tỉnh Bình Phước (từ ranh giới tỉnh Bình Dương - Bình Phước đến Chơn Thành dài 7,1 km): sơ bộ chi phí giải phóng mặt bằng 400 tỷ đồng, sơ bộ mức đầu tư xây dựng công trình 1.385 tỷ đồng. Theo đó, suất đầu tư (bao gồm giải phóng mặt bằng) khoảng 251 tỷ đồng/km, suất đầu tư (chưa bao gồm giải phóng mặt bằng) khoảng 195 tỷ đồng/km.
Nguồn: https://baodautu.vn/den-xanh-cho-phuong-an-dau-tu-cao-toc-tphcm---chon-thanh-d190735.html