Bình Phước cần hơn 16.600 tỉ đồng để triển khai 34 dự án giao thông

Theo UBND tỉnh Bình Phước, đến năm 2021, tỉnh này có 3 tuyến quốc lộ đi qua (quốc lộ 13, 14 và 14C), 15 tuyến đường tỉnh, 325 tuyến đường đô thị, 2.135 tuyến đường xã, 241 tuyến đường chuyên dùng và tuần tra biên giới với tổng chiều dài 9.102 km, tỷ lệ nhựa hóa đạt 64,17%.

Bình Phước cần hơn 16.600 tỉ đồng để triển khai 34 dự án giao thông - ảnh 1

Đường quốc lộ 13, đoạn qua tỉnh Bình Phước

Cùng với đó là 3 hệ thống sông lớn (sông Bé, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn). Tuy nhiên, đến nay Bình Phước không sử dụng phương tiện đường thủy để vận chuyển hàng hóa hay hành khách. Đối với hạ tầng giao thông đường sắt và hàng không hiện tỉnh chưa có hạ tầng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhận định, việc phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung.
Hiện Bình Phước đang rất quan tâm phối hợp, triển khai đầu tư đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh, đường ĐT 753 kết nối đi sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải.

Tỉnh Bình Phước cũng đặt mục tiêu ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối nội tỉnh, đặc biệt là các trục kết nối 3 trung tâm tạo động lực gồm TP.Đồng Xoài - TX.Chơn Thành và H.Đồng Phú; 3 vùng đô thị có sức lan tỏa gồm TP.Đồng Xoài - TX.Bình Long - TX.Phước Long và các trung tâm kinh tế khác của tỉnh.

Bình Phước cần hơn 16.600 tỉ đồng để triển khai 34 dự án giao thông - ảnh 3

Bản đồ quy hoạch mạng lưới cao tốc, quốc lộ qua tỉnh Bình Phước

Mục tiêu đến năm 2025, Bình Phước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện đầu tư các tuyến đường liên kết vùng quan trọng như: dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Đắk Nông - Chơn Thành, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (tỉnh Long An); tuyến đường ĐT 753 kết nối với tỉnh Đồng Nai, sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu); tuyến đường phía Tây quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành – Hoa Lư và kết nối với đường trục chính KCN Bàu Bàng (Bình Dương) đến đường Mỹ Phước - Tân Vạn; tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương kết nối với tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (Bình Dương) đến đường Vành đai 4.

Ngoài ra tỉnh cũng đã triển khai đầu tư nâng cấp, mở mới một số tuyến đường kết nối nội tỉnh như: ĐT 752, ĐT 758, quốc lộ 14 đoạn TP.Đồng Xoài - H.Chơn Thành, H.Đồng Phú - TX.Chơn Thành, tuyến đường Minh Lập (TX.Chơn Thành) - Bù Nho (H.Phú Riềng)…
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bình Phước dự kiến đầu tư 34 dự án giao thông với tổng nhu cầu vốn khoảng hơn 16.600 tỉ đồng.

Bình Phước nhận định việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội tỉnh với phương châm "đi trước một bước" là đòi hỏi cấp thiết để phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

 

Nguồn: thanhnien.vn

Bài viết cùng chuyên mục